Cảm nhận của du khách nước ngoài trên Tàu Thống Nhất 2024

Tin tức

Cảm nhận của du khách nước ngoài trên Tàu Thống Nhất

Cập nhật: 22:01, 07/03/2012

Đoàn tàu Thống Nhất nối Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh là một hành trình thoải mái và thú vị để các hành khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Việt Nam trên suốt chiều dài đất nước.

Dưới đây là bài viết về những trải nghiệm du lịch Việt Nam của Mark Smith trên hành trình Bắc Nam của chuyến tàu Thống Nhất. Smith là người sáng lập Seat61.com, một trang web chuyên về du lịch bằng tàu khắp thế giới.

7 giờ kém 1 phút tối tại một nhà ga chính ở trung tâm thủ đô Hà Nội, tất cả các hành khách đã lên tàu. Tiếng chuông điện vang lên và đoàn tàu chuẩn bị chuyển bánh. Bên ngoài mỗi toa tàu, một nhân viên đường sắt mặc đồng phục, tay cầm đèn, quan sát dọc đoàn tàu và chờ tàu chuyển bánh.

Trong một buổi tối ấm áp, thông báo cuối cùng mời hành khách trên tàu được phát đi từ loa phát thanh của tàu. Khi kim giây tiến gần tới con số 12, một tiếng còi dài cất lên và tàu SE1 từ từ chuyển bánh trong chuyến hành trình 33 giờ, dài 1.720km, để tới thành phố quan trọng thứ 2 của Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là “Đường sắt Thống Nhất”, một tuyến đường chạy dọc chiều dài của Việt Nam. Tuyến đường sắt được hoàn thành năm 1936 thời Đông Dương thuộc Pháp và các đoàn tàu khi đó hoạt động được 18 năm trước khi Pháp rút về nước và Việt Nam chia cắt thành 2 miền Nam Bắc. Cho tới tận năm 1976, các đoàn tàu Bắc-Nam mới được nối lại. Ngày nay, 4 hoặc 5 chuyến tàu được trang bị điều hoà không khí nối liền Hà Nội, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nhà Trang và Sài Gòn mỗi ngày, trở thành phương tiện giao thông tương đối thoải mái với giá cả phải chăng cho người dân địa phương cũng như các du khách.

Lần cuối cùng tôi đến Việt Nam là hơn một thập kỷ trước, và khi SE1 chạy qua các con đường đông đúc ở ngoại thành Hà Nội, tôi thấy có vẻ như mỗi người đi xe đạp khi đó giờ đây đều sở hữu một chiếc xe máy và những người đi xe máy ngày xưa giờ đã có ô tô. Du lịch cũng bùng nổ và tôi đang đi trên một toa tàu có giường nằm dành riêng cho khách du lịch, tiện nghi hơn so với các “giường mềm” thông thường của SE1 nhưng chỉ có giá khoảng 59USD cho hành trình 800km tới Đà Nẵng.

Vẻ đẹp từng vùng miền của Việt Nam qua chặng đường dài

Cabin chung của tôi khá thoải mái dù không sang trọng, với 4 giường ngủ sạch sẽ, một chiếc bàn nhỏ và một ổ điện để cắm đồ điện tử cần thiết mà chúng ta không thể không mang theo mỗi khi đi du lịch. Tôi thưởng thức một lon bia Hà Nội và trò chuyện với bạn bè trước khi đi ngủ. Đó là một ngày dài và giấc ngủ đến với tôi dễ dàng trên con tàu hơi rung nhẹ.

Sáng hôm sau khi tôi tỉnh dậy, miền quê Việt Nam hiện lên qua cánh cửa sổ: những cánh đồng lúa, đàn trâu, làng mạc và các nông trường. Một tiếng gõ cửa và người phục vụ mang cho chúng tôi bữa sáng gồm một tách trà và cốc mì.

Sau bữa sáng, tàu tới Huế lúc 8h02. Huế từng là thủ đô của Việt Nam cho tới năm 1945 và giờ đây được các du khách biết đến với các công trình cổ kính và sông Hương thơ mộng. Có lẽ không có gì bất ngờ khi các du khách phương Tây đều xuống ga này khi SE1 chuẩn bị khởi hành đi về phía nam. Phần ngoạn mục nhất của cuộc hành trình chuẩn bị bắt đầu.

Sau khi rời Huế khoảng 1 giờ, tàu tới bờ biển, ban đầu là chạy qua vùng duyên hải bằng phẳng với những bãi cát hoang vắng và các hòn đảo nhỏ, thỉnh thoảng là những ngôi nhà được dựng trên các cây cột bên bờ biển. Nhưng không gian biển lộng gió không kéo dài mãi. Khi hành trình tiếp tục về phía nam, Dãy Trường Sơn khiến tàu phải leo dốc, lượn quanh co và rẽ.

Tại đây, tàu SE1 chạy chậm hơn để vượt qua những quả đồi và các vách đá nằm cheo leo bên bờ biển. Các bánh tàu rít lên mỗi khi đi qua những đoạn cua mạnh.

Tàu vượt qua các đỉnh núi cao thông qua hàng loạt đường hầm, với mỗi lối vào đường hầm có một nhân viên giám sát mặc đồng phục đứng quan sát và giơ đèn vàng khi đoàn tàu chạy qua. Tới gần đèo Hải Vân, có đoạn tàu chạy vào đất liền, đi qua thung lũng sâu và rậm rạp để tới đỉnh đèo. Sau khi vượt qua đoạn đường đèo, tàu lướt nhanh hơn và chạy qua nhiều vịnh, thuyền bè và các bãi biển trước khi tới Đà Nẵng lúc 10h30. Tại thành phố lớn thứ 5 của Việt Nam, các du khách xuống tàu để tới thăm thị xã Hội An, một di sản của Unesco.

Sau khi thăm Đà Nẵng, tôi trở lại ga để lên một chuyến tàu buổi chiều đi Thành phố Hồ Chí Minh. Vào lúc 1h30, tàu SE3 từ Hà Nội tới ga khá chính xác, chỉ chậm vài phút, và tôi lên một giường nằm nềm có điều hoà. Đây là toa phổ biến với người Việt Nam hơn, hơi cũ một chút nhưng vẫn thoải mái, với 4 giường nằm ở mỗi cabin, mỗi giường đều có bàn và ổ điện.

Một buổi chiều trên chuyến tàu cho phép tôi có thời gian để nghỉ ngơi, đọc thông tin và lên kế hoạch cho thời gian nghỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khi bóng tôi buông xuống, tàu chạy qua những cánh đồng lúa bát ngát và các vùng đầm lầy rộng lớn.

Vào buổi tối, tôi mua một phiếu ăn giá hơn 2 USD và được phục vụ cơm trắng, thịt gà và một cốc canh. Sau khi ăn xong, tôi nhâm nhi một lon bia 333 của Sài Gòn. Sau khi tàu dừng tại Nha Trang, tôi chìm vào giấc ngủ và 5 giờ sáng hôm sau tàu SE3 tới Thành phố Hồ Chí Minh.

Sài Gòn được ghi trên các bản đồ là Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng thành phố này vẫn được quen gọi bằng cái tên cũ. Bằng chứng là “Sài Gòn”, chứ không phải “Thành phố Hồ Chí Minh”, được ghi trên vé tàu và cụm từ “Ga Sài Gòn” xuất hiện trên bảng điện tử lớn tại nhà ga.

Tôi bắt taxi về khách sạn Continental, một công trình được xây dựng từ những năm 1880 với trần nhà cao và sàn lát đá cẩm thạch, nơi từng được nhắc tới trong tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” (The Quiet American, 1955) của tác giả người Anh Graham Greene.

Sài Gòn có nhiều công trình kiến trúc kiểu Pháp nổi tiếng như Trụ sở uỷ ban nhân dân thành phố, Nhà hát thành phố, Bưu điện trung tâm, Nhà thờ Đức Bà, cùng “Dinh Thống Nhất”, nơi được bảo tồn với hầu hết các đồ đạc còn gần như nguyên vẹn từ những năm 1970 khi các xe tăng của quân Giải phóng tiến thẳng vào toà nhà năm 1975, kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ.

Sài Gòn có nhiều điểm đối lập thú vị với Hà Nội, nhưng để biết được Hà Nội hay Sài Gòn hấp dẫn bạn hơn, chỉ có cách thực hiện một chuyến đi trên Tàu Thống Nhất.

Mark Smith chia sẻ các kinh nghiệm khi đi tàu ở Việt Nam

Các tàu của Việt Nam an toàn và tương đối thoải mái, đặc biệt là các tàu mang số hiệu SE, được trang bị nhiều toa lắp điều hoà không khí hiện đại hơn. Đây là tàu chở khách bình thường hơn là tàu du lịch hạng sang, vì vậy không nên kỳ vọng chất lượng tàu như của Thuỵ Sĩ.

Các giường mềm nằm được trang bị trong các cabin chung gồm 4 giường. Nếu không thích dùng chung, bạn có thể mua vé của cả một cabin. Ban ngày, bạn có thể gấp giường ngủ để ngồi thoải mái ở giường dưới.

Có buồng rửa và nhà vệ sinh ở cuối mỗi khoang, và trên tất cả các tàu đều có xà phòng và giấy vệ sinh. Nhưng để đề phòng, đừng quên mang giấy vệ sinh và mội chai nhỏ nước rửa tay khi đi du lịch.

Thức ăn và đồ uống sẵn có trên tàu. Cũng có nước nóng miễn phí trên mỗi toa để pha mì, trà hay cà phê.

Nếu du khách yêu thích chụp ảnh, lưu ý không ngả người ta quá xa cửa sổ đề phòng các đường hầm và chướng ngại vật.

Các tin khác

Tàu Hải Phòng được đón, trả khách tại ga Hà Nội vào ngày thường (02/07/2023)

Đường sắt chạy thêm nhiều tàu khách dịp Giỗ Tổ (25/03/2022)

Từ 15/12: Thay đổi lịch chạy tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng (21/12/2021)

Từ 15/11/2021 Đường Sắt mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần (12/11/2021)

Bộ VHTT&DL hướng dẫn việc đưa du lịch, giải trí hoạt động trở lại (21/10/2021)