Miền Trung sôi sục vé tàu, xe vào Nam 2024

Tin tức

Miền Trung sôi sục vé tàu, xe vào Nam

Cập nhật: 12:26, 31/01/2012

Trong hai ngày qua, hàng ngàn người dân ở Nghệ An, Quảng Ngãi bắt đầu trở lại các tỉnh phía Nam để làm việc, học tập và mưu sinh. Thế nhưng, để có được tấm vé tàu, xe vào lại thành phố không đơn giản, bởi hầu hết các điểm bán vé xe, vé tàu đều trong tình trạng "cháy vé".

Có mặt tại ga Quảng Ngãi sáng mùng 8 Tết (ngày 31/1), chúng tôi thấy hàng trăm người tụ tập tại phòng vé để hy vọng mua vé tàu vào Nam, thế nhưng nhiều người đến đây đều thất vọng quay về bởi ga Quảng Ngãi thông báo đã không còn vé tàu đến hết ngày 13 âm lịch. 

 

Người dân chen nhau tại quầy vé nhà ga Quảng Ngãi với hy vọng mua được một vé vào Nam, nhưng tất cả đều thất vọng bởi không còn vé cho đến hết ngày 13 tháng Giêng. ( Ảnh: Trà Giang)

Anh Lê Thanh Liêm, quê xã Bình Trung, huyện Bình Sơn cho biết, anh đến nhà ga khá sớm, thấy mọi người chen lấn trước phòng vé, tưởng còn vé, anh cũng cố chen vào tìm cơ hội… Mất cả tiếng đồng hồ mới đến được cửa bán vé, nhưng hỏi thì nhà ga thông báo, vé tàu đi TPHCM từ nay đến ngày 13 tháng Giêng không còn.

 

Tình trạng xe khách vào Nam cũng không khá hơn. Ngày 30/1, các nhà xe chất lượng cao của Quảng Ngãi cũng đồng loạt ra thông báo… hết vé. Theo nhân viên bán vé của doanh nghiệp xe khách Sao Vàng, vé chạy tuyến Quảng Ngãi - TPHCM từ ngày mùng 5 Tết đến ngày 13 Tết đã được bán hết vé trước Tết. Hiện vé đi TPHCM chỉ còn từ ngày 13 âm lịch, tuy nhiên cũng chỉ còn xe tăng cường.

 

Anh Huỳnh Tấn Lợi, quê Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa cho biết, hai ngày qua, anh đến các nhà xe, ga để mua vé vào TPHCM nhưng không được vì hết vé. Bí quá, anh đành ra ngã ba trên tuyến quốc lộ 1A để đón xe. 

 

Không mua được vé, nhiều người chọn cách ra các ngã ba trên quốc lộ 1A để đón xe, nhưng cũng không mấy người đón được xe,
( Ảnh: Trà Giang)

 

"

Đứng cả buổi mới đón được một xe, nhưng khổ nỗi lên xe đã thấy bất an. Xe vừa cũ, vừa không chỗ ngồi lại phải ngồi ghế súp co rúm vì quá chật. Đi chưa được 10km, tôi đành xuống xe vì chịu không nổi. Xe chở khách mà họ (nhà xe) nhồi nhét như súc vật, chen chúc trên một cái xe đi cả ngàn km. Nghĩ đến mà hết dám đi

" - anh Lợi chia sẻ.

Tương tự, tại Nghệ An, trước nhu cầu vào Nam quá lớn của người dân nên giá vé xe khách đã tăng đến 60%, rồi nhồi nhét khách mà cũng không đủ xe để đi.

Trong chiều tối 8 Tết, ghi nhận của PV VietNamNet tại khu vực Bến xe Vinh, lượng người dồn về là rất lớn. Mặc dù giá vé tăng cao từ 40 đến 60% ngày bình thường, nhưng đêm 8 Tết, tại Bến xe Vinh có hơn 40 chiếc xe giường nằm, đã bán hét vé cho gần 1.700 hành khách đi trong đêm 30/1.

Chiều cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Hải, Trưởng BQL Bến xe Vinh cho biết: "Giá vé xe tăng là do doanh nghiệp vận tải đăng ký với Sở GTVT; Sở Tài chính; Cục thuế tỉnh. Bến xe Vinh chỉ có niêm yết giá và bán vé theo quy định.

Giá vé tính từ hôm nay (mồng 8 Tết) tăng từ 40 đến 60% so với ngày thường.

Dự kiến giá vé tăng được áp dụng đến hết ngày 18/1 âm lịch, sau đó mới trở lại giá như ngày bình thường (tức là 8/2 - PV). Riêng vé xe khách giường nằm Vinh - Đà Nẵng đã bán hết trong 3 ngày tới
".

Giá vé xe khách tuyến Vinh - Đà Nẵng bán 330.000 đồng; Vinh - Sài Gòn giao động từ 800 - 1.250.000 đồng. Riêng tuyến Vinh – Hà Nội có gần 70 chiếc xe trong bến quản lý chạy liên tục, giá vé bán 240.000 đồng (chiều mồng 8 Tết).

 

Chật ních người trong và trước cổng bến xe Vinh, nhiều tuyến xe đã bán hết vé từ 2 đến 3 ngày tới. (Ảnh: Quốc Huy)

Mặc dầu tại bến xe Vinh niêm yết giá như vậy, nhưng có rất nhiều hành khách không vào bến mua vé trước. Chọn giải pháp bắt xe dọc đường, khiến tình trạng chủ xe chặt chém, ép giá, nhồi nhét. Tuyến từ Vinh - TP. HCM giá vé lên đến 1.500.000 - 1.600.000 đồng/người.

 

Tìm hiểu của

PV VietNamNet

, các chủ nhà xe tại Nghệ An đã tăng cường số lượng tài xế chạy trong những ngày ra Tết. Bình quân tuyến Vinh - Hà Nội, cứ 2 ngày nhiều xe chạy được 3 vòng với 6 chuyến.

 

Riêng tuyến Vinh – TP. HCM, có nhà xe điều động lên đến 5 tài xế liên tục thay nhau đổi tài để chạy đua với cuộc vận chuyển cấp tốc, chạy liên tục 24/24.

Trước tình trạng đó, nhiều người không khỏi lo lắng khi các tài xế chạy xe quá tải công việc và cả những chiếc xe được vận hành liên tục không có thời gian bảo dưỡng. 

Trước nhu cầu đi lại tăng cao của người dân, hầu hết các doanh nghiệp vận tải khách chất lượng cao ở Quảng Ngãi đều lên kế hoạch tăng cường thêm các đầu xe. Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Giám đốc Công ty TNHH Chín Nghĩa cho biết, áp lực về khách chủ yếu là tuyến Quảng Ngãi - TPHCM. Ngoài lượng xe hiện có, công ty cũng đang hợp đồng với một số xe chất lượng cao, với phương châm phục vụ không để hành khách nào bị kẹt lại sau Tết do không có phương tiện.

Theo ông Đặng Văn Minh - Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi, năm nay lượng người từ các tỉnh, nhất là TPHCM về Quảng Ngãi ăn Tết khá đông (tăng khoảng 20% so với năm trước). Chính vì vậy, sau Tết áp lực về phương tiện cũng tăng lên do lượng người này trở lại các tỉnh. Theo thống kê thì trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 người rời Quảng Ngãi đi các tỉnh, chủ yếu là TPHCM.

• Trà Giang - Quốc Huy

Các tin khác

Tàu Hải Phòng được đón, trả khách tại ga Hà Nội vào ngày thường (02/07/2023)

Đường sắt chạy thêm nhiều tàu khách dịp Giỗ Tổ (25/03/2022)

Từ 15/12: Thay đổi lịch chạy tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng (21/12/2021)

Từ 15/11/2021 Đường Sắt mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần (12/11/2021)

Bộ VHTT&DL hướng dẫn việc đưa du lịch, giải trí hoạt động trở lại (21/10/2021)